SaiGonNhoWeekly
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

Tôn Ti Trật Tự

Go down

Tôn Ti Trật Tự  Empty Tôn Ti Trật Tự

Post by Admin Wed Feb 15, 2017 9:54 am

Tôn Ti Trật Tự  Nen-th10

Cách đây hơn một thập niên, khi tôi bắt đầu lò mò vào kỹ nghệ tổ chức các chương trình giải trí (show biz), vốn là dân gốc truyền thông, tôi khá lạ lùng với những “luật bất thành văn” của ngành văn nghệ.

Tôn Ti Trật Tự  Tontit10
Hình minh họa

Bà xã tôi, một nghệ sĩ đã thành danh từ trước năm 1975, cách ứng xử trong giới nghệ sĩ của bả luôn làm tôi …..giật mình và đôi khi hơi khó chịu, vì không quen với những cách ….áp đặt tự nhiên của bả.

– Dạo này mày “lên chân” quá há ?

– Dạ ….”Má” ! Con đâu có “lên chân” gì, sao “má” nói con vậy ?

– Mày bước vô hậu trường, chỉ lo bô lô ba la với mấy “thằng” bầu show, tụi tao ở đây chết hết rồi hả con?

– Dạ, đâu có “má”, tại bước vô con chưa kịp nhìn thấy “má”, con xin lỗi “má” !

– Mày thấy ai ngồi trong góc phòng kia không?

– Dạ …… con thấy, mà ai vậy “má”?

– Thời ổng nổi danh, tao còn đeo tã ở sân khấu, mày gặp tiền bối mà không biết ai là ai hả con? Mày học thói hỗn đó từ hồi nào?

Cô ca sĩ vừa nghe bà xã tôi “lên lớp” thì “dạ,dạ” rồi lật đật chạy tới vị tiền bối nọ chào hỏi. Tôi quay sang bà xã trách nhẹ bả, sao lại ….áp đặt như vậy, bà xã tôi….tỉnh queo trả lời.

– Mấy đứa nhỏ ! giờ không nghiêm khắc, mai này tụi nó nổi danh thì sẽ không xem ai ra gì. Phải cho tụi nó biết “tôn ti trật tự”.

Tôi lắc đầu ngán ngẩm cho rằng bà xã tôi quá ‘bảo thủ,” có lẽ vì tôi sống trong một xã hội mở rộng, quen dân với lối ứng xử phóng khoáng của người Tây phương, nên hơi …khó chịu trước thái độ của bà xã.

Danh từ “Má”, “Ba” trong giới văn nghệ là cách gọi của những nghệ sĩ trẻ, dành cho những nghệ sĩ lớn tuổi, có ý kính trọng những người lớn tuổi trong nghề.

Nhưng đến hôm nay (2016), không biết do tuổi đời mình càng lúc càng lớn, hay vì văn hóa của người Việt ở Bolsa có vẻ ….đổi màu, mà tôi chợt cảm thấy thái độ của bà xã tôi lại ….rất đúng. Ít nhất là đúng trong giai đoạn này, khi lối ứng xử của người Việt ở Bolsa càng lúc càng trở nên phức tạp hơn.

Đầu thập niên 90, ở Quận Cam có trên dưới 10 vũ trường hoạt động khá mạnh. Thời điểm đó giới văn nghệ sĩ hầu như đêm nào cũng chạy show mấy vũ trường. Gặp nhau là tíu tít trò chuyện rôm rả. Ca sĩ A ra mắt CD, thì là hàng chục ca sĩ B,C,D khác sẵn sàng có mặt để đóng góp, nâng đỡ, bia, rượu mời nhau náo nhiệt, đôi khi cuộc vui kéo dài đến hừng sáng, cho thấy không khí về đêm của giới nghệ sĩ.

Rồi những tháng ngày bay show ở các tiểu bang xa, bầu show, cộng đồng địa phương, hỏi thăm số điện thoại liên lạc của ca sĩ B, thì ngay lập tức có ngay số điện thoại, các nghệ sĩ khác nhiệt tình giúp đỡ, không nghĩ ngợi nhiều.

Nghệ sĩ nào bệnh, vô nhà thương, hay gặp khó khăn, thì chỉ trong vòng một, hai tuần lễ, hàng chục nghệ sĩ khác đã tổ chức đêm nhạc, trình diễn, để hỗ trợ, đóng góp tài chánh.

Nhưng đó … là câu chuyện của hơn 20 năm trước. Hôm nay văn hóa ứng xử của Bolsa đã khác đi, phức tạp hơn, có vẻ con người đối xử với nhau … tàn khốc hơn.

– Cho thầy xin số điện thoại của ca sĩ …

– Dạ thầy con… không có thầy ơi !

– Vậy ca sĩ… cũng được !

– Dạ … để con kiếm thử, nhưng con không hứa là có nghe thầy !

Mẫu đối thoại ngắn giữa cô ca sĩ trẻ … và vị sư nào đó ở Canada, khiến tôi hơi … giật mình.

– Ủa ! em vừa mới đi ăn trưa với cổ hồi tuần trước mà? Sao nói không có số?

– Em đâu có ngu vậy anh ! Giờ lương của nó cũng tương đương với em, mà ngân sách tổ chức ở chùa thì có hạn, thầy có số điện thoại của nó thì có nghĩa là em … mất show.

Tôi ngỡ ngàng ! Tự bao giờ cô ca sĩ này có thái độ đó? Trong khi giữa thập niên 90, cô là ca sĩ rất nhiệt tình với bạn bè, với cộng đồng. Thấy thái độ của tôi, cô ca sĩ thở dài giải thích, nói rằng thế giới bây giờ đã khác, khoảng chừng chục năm trở lại đây, khi phong trào ca sĩ từ Việt Nam qua trình diễn, thì bắt đầu xuất hiện những thái độ rất là… ích kỷ.

Cô kể cho tôi nghe những tiêu cực bay show ở xa, nào là các sư thầy mỗi khi thuê mướn nghệ sĩ, thì ép họ bưng thùng quyên tiền xuống sân khấu, nào là các cha nhà thờ, đôi khi không mua vé máy bay hay trả cát xê, mà nghệ sĩ phải tự đến rồi kiếm lợi nhuận bằng cách … bán CD, DVD.

Rồi khi trình diễn, những người nắm MC thì luôn ưu tiên cho “phe ta” trước, ca sĩ nào không nằm trong nhóm của họ thì một là hát mở màn lúc vắng khách, hay hát kết thúc chương trình lúc…khách đã ra về.

Đó là chưa kể giờ đây, hở một chút là tạo scandal, xử dụng các mạng blog, Facebook, lời qua tiếng lại để “được chú ý,” hoặc giải quyết những …ân oán cá nhân.

Cái văn hóa đẹp của Bolsa thời 80, 90 dường như đã biến mất, thay vào đó là văn hóa “chụp giựt,” “vô cảm,” “láu cá vặt,” không chỉ riêng trong giới văn nghệ sĩ, mà hiện đã và đang có khuynh hướng lan rộng mọi tầng lớp trong cộng đồng, và cũng không chỉ riêng ở Bolsa, mà nhiều địa phương khác cũng đã bắt đầu có những dấu hiệu này.

Nghệ sĩ trẻ ra đường gặp tiền bối không thèm chào hỏi, đi chợ, đi shopping thì dành parking lot, lái xe thì không thèm nhường đường cho ai, mở miệng thì “chửi tục, chửi thề”.

Dường như tất cả những gì đang xảy ra tại Việt Nam hôm nay, đã bắt đầu hiện diện ở Bolsa.

Nếu ở thập niên 80, 90, người Việt gặp nhau mừng rỡ, thăm hỏi, và chia sẻ cuộc sống một cách thật tình, thì hôm nay ở Bolsa, họ vồn vã một cách giả tạo, họ xem những hành động “chụp giựt,” “vô cảm,” “láu cá vặt” là thông minh, là hơn người khác.

Ở thập niên 80, 90, khi có bất đồng thì giải quyết cá nhân với nhau, hay bạn bè xúm lại khuyên can, còn giờ đây, khi có bất đồng thì họ đem hình ảnh, cuộc sống cá nhân của đối phương lên trì trét trên blog, trên Facebook, và bạn bè xung quanh thì “xúi cho nó đánh nhau sức đầu lỗ trán”.

Đây là những thứ văn hóa từ “thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa,” nơi mà con người phải tranh đấu, dành giựt nhau để sinh tồn, chà đạp nhau để ngoi lên, lừa gạt, dối trá để sống. Nơi mà nền giáo dục bị bế tắc vì thể chế “tàn tật”. Những con người đã sống dưới xã hội đó nhiều năm, họ chưa quen với các ứng xử vị tha, bao dung của xã hội Tây phương.

Thay vì tìm cách hướng dẫn cho những con người đó vào khuôn phép của một xã hội văn minh, ngay chính chúng ta, những con người đã sinh sống lâu năm ở xã hội này, lại bị lối sinh hoạt “văn hóa” trên ảnh hưởng, nếu không kịp thời chấn chỉnh, thì xã hội chúng ta đang sinh sống, cũng chả khác gì cái xã hội ” thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa” kia, và nếu không kịp thời ngăn chận, vài năm nữa, Bolsa cũng sẽ trở thành bãi “rác văn hóa” theo kiểu “chém lợn,” “cướp có văn hóa” của xứ “Thiên đường”.

Tôi không cho rằng bài cảm nhận này của tôi là thái độ “kỳ thị” giữa người đến trước và người đến sau, mà trách nhiệm chính là những người đến Hoa kỳ sớm hơn ở những thập niên 70, 80 hay 90. Chúng ta đã im lặng trước những trái tai gai mắt, im lặng trước những cách ứng xử theo “thói quen” của ” thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa,” dung dưỡng cho loại văn hóa này lan rộng ở Bolsa, ở cộng đồng Việt khắp nơi tại Hoa Kỳ.

Chính thái độ im lặng của chúng ta đã khiến cho không khí Bolsa hay cộng đồng Việt ở các nơi vẫn còn những khoảng “tối” ngợp thở khó chịu. Hãy can đảm tạo nên một môi trường tốt hơn, phát triển những nét đẹp mà chúng ta đã có từ những ngày đầu đến Mỹ, không chỉ giữ cho môi trường sinh sống của chúng ta sạch sẽ, văn minh, mà cuộc sống ở đây, văn hóa của chúng ta, sẽ trở thành giấc mơ của những người từ trong nước Việt Nam, nơi đang mong muốn có được một xã hội mà chúng ta đang sinh sống.

Nhìn Bolsa nhiều năm về trước và Bolsa ngày hôm nay, tôi bỗng …yêu cái “bảo thủ” mà bà xã tôi đã và đang làm, bả chỉ là một nghệ sĩ, sống cả đời trên sân khấu, lối sống và hành xử đều theo khuôn thước của người xưa, của ông bà tổ tiên để lại, không màu mè xa hoa, biết trên biết dưới, và luôn theo nguyên tắc “Tôn Ti Trật Tự”. Không đua đòi chạy theo hàng hiệu, không nịnh bợ vuốt ve, không khoe “đẳng cấp” hay to mồm ” I Am a Diva”. Nhưng lại sẵn sàng “kê tủ đứng” những nghệ sĩ trẻ có thái độ bị xem là “bất kính.”

Có lẽ trong xã hội tự do, phóng khoáng, thái độ “bảo thủ” đôi khi là điều tích cực, không phải là một cản trở cho sự phát triển của xã hội, vì “bảo thủ” một phần nào đó giữ lại được kỷ cương xã hội và giữ được giá trị nền tảng của gia đình.

Trần Nhật Phong

Admin
Admin

Posts : 49
Join date : 2017-02-14

https://sgnnews.board-directory.net

Back to top Go down

Back to top


 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum