SaiGonNhoWeekly
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

Ngụy Công Tử

Go down

Ngụy Công Tử Empty Ngụy Công Tử

Post by Admin Tue Feb 14, 2017 8:37 pm

Ngụy Công Tử Nguyco10


Ngụy Công Tử Nguyco12

Sau năm 1975 khi viết những bài diễn tả cuộc sống của nhân dân ta dưới ách Cộng sản, từ Sài Gòn gửi sang các bạn tôi ở Anh, Pháp, Úc, Mỹ, tôi ký nhiều tên; trong số có bút danh Ngụy Công Tử.

Thời tôi ba mươi tuổi, tôi thích đọc Tam Quốc Chí. Đến năm tôi sáu mươi, tôi thích đọc Đông Chu Liệt Quốc. Sang Mỹ năm 1995, tới nay đã 21 năm, Đông Chu Liệt Quốc, tác phẩm của Phùng Mộng Long, là quyển sách tôi đọc nhiều nhất. Đông Chu Liệt Quốc là “ sách gối đầu giường “ của tôi. Tôi đọc đi đọc lại những đoạn truyện trong Đông Chu Liệt Quốc – ĐCLQ – Đọc nhiều lần vẫn thấy chuyện hấp dẫn, vẫn nhận ra nhiều sự kiện mới, nhiều ý nghĩa của chuyện, nhiều bài học về Tình Đời, Tình Người mà những lần đọc trước tôi không thấy.

Tôi đọc đi, đọc lại những đoạn truyện về cuộc sống của những ông Công Tử Đông Chu. Thời Đông Chu nước Tầu chia ra làm nhiều nước nhỏ, những ông Vua Tầu thời Đông Chu có nhiều vợ. Một ông con được coi là Thế Tử – Thế Tử sẽ nối nghiệp làm Vua – những ông con vua khác được gọi là Công Tử.

Một bút hiệu của tôi là Ngụy Công Tử. Tôi có cảm tình nhất với ông Ngụy Công Tử Đông Chu Liệt Quốc.

Mời quí vị đọc tiểu sử của Ngụy Công Tử ĐCLQ trên Internet.

C CCông tử nước Ngụy, tên Vô Kỵ là con út của Ngụy Chiêu Vương, và là em cùng cha khác mẹ với An Ly Vương nước Ngụy. Chiêu Vương chết, An Ly Vương lên ngôi phong công tử làm Tín Lăng Quân. Công tử là người nhân hậu, khiêm tốn đôi với kẻ sĩ. Kẻ sĩ không kể người hiền hay người dở, công tử đều khiêm tốn, lấy lễ đối đãi, không cậy mình giàu sang mà kiêu ngạo. Vì vậy kẻ sĩ trong vòng mấy ngàn dặm đều tranh nhau theo Công Tử. Khách trong nhà nhiều đến ba nghìn người.

Năm thứ hai mươi, đời vua An Ly Vương nước Ngụy (năm 237 trước Công nguyên), Tần Chiêu Vương sau khi phá quân Triệu ở Trường Đình, tiến binh vây Hàm Đan, kinh đô nước. Chị của công tử là vợ Bình Nguyên Quân, em trai vua Huệ Văn Vương nước Triệu. Bình Nguyên Quân đã mấy lẩn đưa thư cho Ngụy Vương và Ngụy công tử xin nước Ngụy cứu viện. Vua Ngụy sai tướng quân Tấn Bỉ cầm mười vạn quân đi cứu Triệu. Vua Tẩn sai sứ giả nói với vua Ngụy:
– Ta đánh Triệu, sớm chiều thể náo cũng phá Triệu, chư hầu ai dám cứu Triệu thì sau khi phá Triệu, ta sẽ đem binh đến đánh.
Vua Ngụy ra lệnh cho Tấn Bỉ, đóng quân ở đất Nghiệp, tiếng là cứu Triệu, nhưng  thực ra là đi nước đôi để chờ xem tình thế. Sứ giả của Bình Nguyên Quân liên tiếp sang Ngụy, đem lời Bình Nguyên Quân trách Ngụy Công tử:
– Thắng sở dĩ tự phụ về chỗ kết nghĩa hôn nhân là vì cho rằng Công tử là ngườì có nghĩa khí cao, có thể giải cứu người ta lúc nguy khốn. Nay Hàm Đan sớm chiều sẽ  phải đầu hàng nước Tần mà cứu binh của Ngụy không đến, thế thì Công tử cứu nguy khốn cho người khác ở chỗ nào? Nếu Công tử khinh Thắng này, Thắng phải đầu hàng nước Tần, thế thì Công tử không thương bà chị của Công tử sao?
Ngụy Công tử mấy lần xin Ngụy Vương đánh Tần, và giục các tân khách, biện sĩ tìm đủ mọi cách nói với Ngụy Vương. Nhưng Ngụy Vương sợ Tần, không nghe lời Công tử. Công tử nghĩ mình không nên sống một mình để nước Triệu mất, nên tụ tập các tân khách, quân kỵ và hơn một trăm cỗ xe, định qua đánh quân Tần, rồi cùng chết với nước Triệu.
Công tử đi qua cửa Di Môn ghé thăm Hầu Sinh và từ biệt ra đi. Hầu Sinh nói:
– Tôi già yếu rồi, không thể đi theo Công tử được.
Công tử đi được mấy dặm, không vui, nghĩ:
– Nay ta sắp chết, thế mà Hầu Sinh không có nửa lời tiễn ta, phải chăng ta có điều gì không phải?
Bèn quay xe về, hỏi Hầu Sinh. Hầu Sinh cười, nói:
– Tôi biết thế nào Công tử cũng quay lại.
Lại nói:
– Công tử yêu kẻ sĩ nổi tiếng khắp thiên hạ, nay gặp nạn lớn có thể chết mà không có ai giúp phương kế nào khác, lại muốn lao vào quân Tần, thế cũng như là ném thịt cho hổ đói chứ có ích gì đâu! Như thế thì dùng tân khách làm cái gì? Nhưng công tử đối đãi với tôi rất hậu, công tử ra đi mà tôi không tiễn, vì tôi biết công tử sẽ trở lại.
Công tử lạy hai lạy. Hầu Sinh nói riêng:
– Doanh này nghe nói “Binh phù” của nhà vua để trong phòng ngủ của nhà vua mà nàng Như Cơ được nhà vua rất yêu; nàng ra vào phòng ngủ của nhà vua, có thể lấy trộm được binh phù. Doanh nghe nói cha của Như Cơ bị người ta giết. Như Cơ chứa giận ba năm, muốn tìm người báo thù cho cha, nhưng từ nhà vua trở xuống, không có một người nào giúp. Như Cơ khóc với công tử. Công tử sai người khách chém đầu kẻ giết cha Như Cơ. Như Cơ muốn báo ơn công tử, chết cũng không từ chối, nhưng chưa có dịp đấy thôi. Nay nếu công tử nói với Như Cơ một lời thì thế nào Như Cơ cũng làm theo. Một khi đã có được “hổ phù”, Công tử giành lấy quyền chỉ huy quân đội của Tấn Bỉ, đem quân về phía Bắc, cứu nước Triệu, đuổi nước Tần về phía Tây, đó là công lao của Ngũ bá đời xưa.
Công tử nghe theo kế của Hầu Sinh. Như Cơ lấy trộm được binh phù, đưa cho công tử.
Công tử ra đi, Hầu Sinh nói:
– Tướng quân ở trên mặt trận có những lúc không nghe theo lệnh của nhà vua. Công tử đến, nếu như Tấn Bỉ không trao quân cho công tử mà lại muốn hỏi lại nhà vua thì công việc hỏng mất. Người bạn tôi là anh hàng thịt Chu Hợi có thể cùng đi với Công tử, anh ta là một lực sĩ. Nếu như Tấn Bỉ nghe theo thì tốt. Nếu không thì Chu Hợi sẽ đánh Tấn Bỉ chết.
Công tử khóc. Hầu Sinh hỏi:
– Công tử sợ chết hay sao?

– Tôi không sợ chết.

– Tại sao lại khóc?
Công tử nói:
– Tấn Bỉ là một vị lão tướng yêu nước. Tôi đến cướp quyền, sợ ông ta không nghe, phải giết ông cho nên tôi khóc.
Đến đất Nghiệp Công tử giả lệnh của vua Ngụy thay Tấn Bỉ, Tấn Bỉ ghép binh phù lấy làm ngờ, nói:
– Nay tôi cầm binh mười vạn, đóng nơi biên giới. Ông đi một chiếc xe đến đây thay tôi, là nghĩa thế nào?
Tấn Bỉ có ý không chịu trao quyền. Chu Hợi dúng cái chùy sắt bốn mươi cân, đánh Tấn Bỉ vỡ sọ chết, Công tử bèn chỉ huy quân của Tấn Bỉ, chỉnh đốn đội ngũ, ra quân lệnh:
– Nếu cả cha và con đều ở trong quân, cho cha trở về; nếu cả anh và em ở trong quân cho anh trở về; nếu là con một không có anh em thì cho trở về mà nuôi cha mẹ.
Chọn được tám vạn quân, tiến đánh quân Tần. Quân Tần rút lui, công tử cứu được nước Triệu.

Trên đây là đoạn truyện về Ngụy Công Tử trên Internet. Dưới đây là đoạn truyện về Ngụy Công Tử trong truyện Đông Chu Liệt Quốc: Tôi – CTHĐ – cảm động khi đọc đoạn truyện này.

Trích ĐCLQ: Có con chim cưu bị con chim rao đuổi bắt, bay vào thư phòng của Ngụy Công Tử để trốn. Tưởng con chim rao đã bay đi, công tử thả con chim cưu ra, không ngờ con chim rao nấp đâu đó, bắt và ăn thịt con chim cưu. Công tử tự trách đã làm chết con chim cưu nên buồn và ân hận. Người dân trong vùng bắt được mấy chục con chim rao, nhốt trong lống, dâng để Công tử trị tội. Công tử nghĩ chỉ một con chim rao phạm tội mà giết cả mấy chục con thì không được, bèn cầm thanh gươm, gõ gươm vào từng lồng chim, nói với con chim trong lồng:

– Mày không giết con chim cưu thì kêu lên ba tiếng, ta tha cho.

Những con chim rao trong lồng, nghe hỏi, đều kêu lên. Có một con nghe hỏi, không kêu mà gục đầu xuống.

Đây là đoạn chuyện thứ hai tôi cảm khái: chuyện nàng Như Cơ và chiếc binh phù của Vua Ngụy:
ĐCLQ Trích: Ba ngày sau Vua Ngụy mới biết binh phù bị lấy trộm, tra hỏi cung nhân, không ra thủ phạm. Vua nhớ Ngụy Công Từ – tức Tín Lăng Quân – nhiều lần xin mình ra lệnh cho Tướng Tấn Bỉ tấn công quân Tần, bèn cho gọi Ngụy Công Từ đến hỏi. Khi ấy Vua mới biết Công Tử cùng gia khách đã đi khỏi kinh đô. Vua Ngụy giận quá, sai Tướng Vệ Khánh dẫn quân đuổi bắt Ngụy Công Tử.

Ngụy Công Tử giữ Vệ Khánh lại, không cho về kinh đô. Vua Ngụy giận, định ra lệnh bắt giam vợ con Ngụy Công Tử.

Như Cơ khóc, quỳ lậy khai tội lấy trộm binh phù:

– Thân phụ của thiếp bị người giết thảm, đại vương không thể báo thù cho thiếp, nhưng Ngụy Công Tử đã trả thù cho thiếp. Thiếp lấy trộm binh phù, xin Vua trị tội thiếp.

Vua hỏi:

– Đứa nào mang binh phù đi trao?

Nhan Ân bị khai ra. Vua muốn giết Nhan Ân. Nhan Ân kêu:

– Kẻ nô tỳ này có biết binh phù là cái gì đâu?

Như Cơ nói:

– Hôm trước ta sai ngươi mang lẵng hoa đi biếu Tín Lăng Quân phu nhân. Ta dấu binh phù trong đó.

Nhan Ân òa khóc:

– Phu nhân giết tôi. Tôi chết oan.

Nhu Cơ khóc:

– Thiếp có tội. Xin Vua giết thiếp.

Vua bỏ tù Nhan Ân, cho Như Cơ vào lãnh cung. Hai tháng sau khi đánh lui quân Tần, Ngụy Công Tử cho Vệ Khánh dẫn quân về nước, dâng nộp binh phù và biểu tạ tội.

Vệ Khánh về triều, tâu với Vua Ngụy:

– Tín Lăng Quân đại thắng quân Tần, biết có tội nên không dám về nước, xin ở lại nước Triệu, gửi lời về tâu: Ngày khác sẽ xin về nước chịu tội.

Công Tử ở lại nước Triệu, là thượng khách của vua Triệu và của anh rể là Bình Nguyên Quân.

Vua Ngụy cho Nhan Ân ra khỏi ngục, cho Như Cơ ra khỏi lãnh cung, cho vợ con Ngụy Công Tử được hưởng những bổng lộc, đất phong của Ngụy Công Tử, nhưng không cho đón Ngụy Công Tử về nước.

Ngày tháng qua đi…

Ngụy Công Tử ở lại nước Triệu..

Vua Tần cho quân đánh Ngụy, nước của Ngụy Công Tử. Quân Tần bao vây thành Đại Lương, kinh đô nước Ngụy. Vua Ngụy sai sứ giả sang Triệu mời Ngụy Công Tử về nước. Nhưng Ngụy Công Tử không chịu tiếp Sứ Giả. Sứ Giả nước Ngụy bèn nhờ Mao Công và Tiết Công, hai người hiền của nước Triệu. Ngụy Công Tử rất trọng Mao Công và Tiết Công.

Mao Công, Tiết Công đến gập Ngụy Công Tử, cùng nói:

– Được tin Công Tử sắp về nước Ngụy, chúng tôi đến tiễn ngài.

Ngụy Công Tử:

– Tôi có tính về nước đâu.

– Quân Tần đánh nước Ngụy của ngài, đang vây hãm thành Đại Lương. Ngài không hay biết gì sao?

– Tôi có nghe nói, nhưng tôi từ bỏ nước Ngụy đã 10 năm, nay tôi là người nước Triệu, tôi không còn lưu luyến gì nước Ngụy.

Mao Công, Tiết Công:

– Sao Công Tử lại nói thế? Công Tử được trọng đãi ở Triệu, tiếng khen vang khắp các nước, là nhờ có nước Ngụy, nhờ ngài là ngưới nước Ngụy. Nay quân Tần đánh Ngụy mà Công Tử không thương nước, thương dân, nếu quân Tần vào được thành Đại Lương, phá hủy tôn miếu của tiên vương, Công Tử còn mặt mũi nào mà cứ sống nhờ ở Triệu!

Ngụy Công Tử toát mồ hôi, đứng lên vái lậy tạ ơn chỉ bảo.

Bèn lập tức ra lệnh cho tùy tùng, tân khách, sửa soạn về Ngụy. Công Tử vào triều từ biệt Vua Triệu.

Vua Triệu không muốn cho Ngụy Công Tử về nước, cầm tay Ngụy Công Tử, khóc, nói:

– Quả nhân từ khi mất Bình Nguyên Quân, may có Công Tử, mới giữ được nước. Nay Công Tử bỏ đi, quả nhân như mất cả hai tay.

Ngụy Công Tử:

– Vô Kỵ này không thể để quân Tần phá hủy tôn miếu, thế tất phải về cứu nước. Nếu nhờ hồng phúc của Đại Vương, nước Ngụy không mất. Đại Vương và thần sẽ có ngày gặp lại nhau.

Vua Triệu:

– Công Tử khi trước dùng quân Ngụy cứu được nước Triệu. Nay quả nhân xin giúp quân lương để ngài về cứu nước.

Vua ba nước Yên, Hàn, Sở cho quân hợp với quân Triệu – do Ngụy Công Tử thống lĩnh – về Ngụy đánh quân Tần. Quân Tần phải rút về nước.

Phá Tần, Ngụy Công Tử về nước. Vua Ngụy ra đón ngoài thành. Anh em vương giả xa cách 10 năm, nay gặp lại nhau, xiết bao mừng thương, ngồi chung xe về triều.

Vua Tần dùng kế giao hảo với nước Ngụy, sai Sứ Giả sang mời Ngụy Công Tử qua chơi nước Tần. Ngụy Công Tử không sang Tần. Tần dùng kế ly gián, phao tin Ngụy Công Tử mưu toan lên làm Vua. Biết Vua Ngụy nghi mình cướp ngôi, Ngụy Công Tử xin từ nhiệm. Từ đó Công Tử sống vui với rượu và đàn bà đẹp, cho đến ngày từ giã cõi đời.

*

Chu Hợi là dũng sĩ đi theo Ngụy Công Tử và dùng cây dùi sắt đánh chết Tướng Tấn Bỉ, Mấy năm sau vua Ngụy cho Chu Hợi làm sứ giả, mang ngọc bích sang tặng vua Tần. Vua Tần giữ Chu Hơi lại, muốn cho Chu Hợi làm Tướng ở Tần. Chu Hợi nhất định không chịu. Vua Tần cả giận, sai quân đẩy Chu Hợi vào chuồng cọp cho cọp ăn thịt.

Con hổ đốm, đói, nhẩy đến vồ. Chu Hợi quát lên một tiếng. Hai mắt Chu Hợi đỏ ngầu. Hổ sợ, nằm phục xuống.

Bị giam trong ngục đá, Chu Hợi đập đầu vào cột đá. Cột bị mẻ, Chu Hợi vẫn không chết. Sau cùng Chu Hợi tự tử bắng cách cấu cổ, móc cuống họng.

*

Tài liệu trong bài Ngụy Công Tử được trích trong sách ĐÔNG CHU LIỆT QUỐC của Phùng Mộng Long, văn sĩ Trung Hoa đời Minh, bản Việt Văn của Nguyễn Đỗ Mục.

*

Thân kinh gửi quý bạn:

Từ Tết đến hôm nay, vợ tôi đau – Bệnh Già. Nàng 84 tuổi – mấy lần tôi tưởng Nàng ra đi lần cuối. Tôi đau, tôi sợ mất Nàng.

Hôm nay, ngày 2 Tháng Ba 2016, Tết ra đã được 25 ngày, sức khỏe vợ tôi tạm ổn, tôi gắng viết bài này.

Đây là bái Viết ở Rừng Phong Đầu Năm Nhâm Thân của tôi.

CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG

Admin
Admin

Posts : 49
Join date : 2017-02-14

https://sgnnews.board-directory.net

Back to top Go down

Back to top


 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum