SaiGonNhoWeekly
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.

Cô Đầu, Cô Đuôi

Go down

Cô Đầu, Cô Đuôi Empty Cô Đầu, Cô Đuôi

Post by Admin Tue Feb 14, 2017 5:56 pm

Hoàng Hải Thủy

Tôi không gọi đây là tập khảo luận văn học, tôi gọi bài viết này là tập tài liệu văn học. Tôi viết bài này trong khoảng Tháng Hai, Tháng Ba năm 1984. Tôi bị Công An Thành Hồ bắt lần thứ nhất năm I977, tù 24 tháng, tôi trở về mái nhà xưa năm 1979. Trên căn gác nhỏ ở Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ Sàigòn, từ 1981 đến 1984 tôi viết nhiều bài gửi ra nước ngoài. Tháng Năm 1984 tôi bị bắt lần thứ hai. Bài viết này của tôi chưa kịp gửi đi. Sau sáu năm tù, năm 1990 lần thứ hai tôi từ ngục tù cộng sản trở về mái nhà xưa ở Cư Xá Tự Do. Tôi tìm được bài viết này lạc trong số sách vở của tôi. Trong đêm đến bắt tôi, bọn Công An Thành Hồ õ không tìm thấy nó.

Bài viết của tôi sẽ đi ngược dòng thời gian, bắt đầu từ Thi sĩ Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu, nửa đầu Thế Kỷ 20, đi ngược về những nhà thơ đời Lý, Thế Kỷ 11. Ðây chỉ là công trình biên khảo về một chủ đề, giúp các bạn yêu văn học đỡ mất công tìm kiếm. Tôi mong tập tài liệu này sẽ được in thành một quyển.

Cô Đầu, Cô Đuôi Ca-tru10
Ca-tru

Trong thơ của người xưa chúng ta gập một số hình ảnh đàn bà Việt Nam mà ngày nay, và mãi mãi về sau, xã hội Việt Nam không còn họ nữa: những người đàn bà làm nghề cô đầu, một nghề phục vụ đàn ông đã có trong xã hội ta kể từ những năm giữa Thế kỷ 19 – khi nền đô hộ của người Pháp đã được đặt vững vàng trên đất nước ta, thời gian dân ta được hưởng một thời gian thanh bình, xã hội không có những xáo trộn lớn – và suy tàn đi vào những năm 1940 – khi Việt Nam đi vào chu kỳ loạn và thay đổi.

Dù có tinh thần bài Trung Hoa nặng đến đâu chăng nữa, tôi nghĩ ta cũng phải nhận rằng người Việt Nam, từ mấy ngàn năm, đã học tập rất nhiều thứ của người Trung Quốc, trong số có nghề chơi là một. Hát ả đào, hay hát cô đầu ở nước ta, là một biến thể của nghề ca kỹ ở Trung Quốc. Hình ảnh đậm nét nhất, gây ấn tượng nhất của những nàng ca kỹ Trung Hoa là hình ảnh và tâm sự người thiếu phụ bến Tầm Dương, do Bạch Cư Dị vẽ lên và để lại, sống mãi trong thơ văn từ hơn ngàn năm trước đến nay.

Hai ông Ðỗ Bằng Ðoàn, Ðỗ Trọng Huề, trong quyển Việt Nam Ca Trù Biên Khảo, viết:

“ Lối hát ả đào có từ thời nhà Lý. Năm Thuận Thiên thứ 16 – 1025 – Vua Lý Thái Tổ đặt chức quản giáp cho giới con hát. Trong đời nhà Lý, có Tống Ðạo sĩ là người nước Tầu sang ngụ nước ta, dậy con gái nước ta múa hát.

“Cuối đời nhà Hồ – 1400-1407 – có người con hát họ Ðào, quê ở làng Dào Xá, tỉnh Hưng Yên, lập mưu giết được giặc Minh. Khi nàng chết, dân làng nhớ ơn lập đền thờ, gọi thôn nàng là thôn Ả Ðào, Từ đấy, những cô gái đi hát được gọi là Ả đào, hoặc Ðào nương.”

Nghệ thuật múa hát ông cha ta học được của người Tầu đó truyền đến Thế kỷ 19 thì chia thành hai ngành chuyên biệt và chuyên nghiệp, nhiều người làm hai ngành này đã có thể sống được với nghề: trình diễn ca múa trên sân khấu: chèo, tuồng, và hát trong phòng: hát ả đào.

Hát ả đào, hay hát cô đầu, có nhiều cách, thể, điệu: Hát nói, Hát ru, Gửi thư, Kể chuyện, Bồng mạc, Sa mạc vv..Không có ý chuyên khảo về đề tài Hát Ả Ðào nên tôi chỉ viết thoáng qua phần này. Lời của các điệu hát giống nhau, thường là thơ lục bát, lời ca Hát nói là một thể riêng. Hát nói cũng là điệu ca phổ biến nhất trong những điệu ca ả đào. Các thi sĩ xưa sáng tác khá nhiều bài Hát nói. Như thểâ thơ Lục bát, Hát nói là thể thơ hoàn toàn Việt Nam; trong Hát nói ta thấy rất ít ảnh hưởng của thơ Ðường luật.

Tản Ðà, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn công Trứ, Cao bá Quát đều sáng tác Hát nói, nhiều bài được làm ra với dụng ý rõ ràng là để cho cô đào hát. Một số vị quan lại thời ấy, tuy không phải là thi sĩ theo nghĩa chúng ta hiểu hiện nay, đã sáng tác Hát nói, đặc biệt là sáng tác của những ông quan lại họ Dương chỉ toàn là những bài Hát nói. Ngoài những bài Hát nói ấy ra ta không thấy các ông làm qua một thể thơ nào khác. Nhũng nhân vật nổi nhất trong lớp người sáng tác Hát nói ấy là những ông họ Dương: Dương Khuê, Dương Lâm, Dương tự Nhu. Nghề cô đầu ở nước ta thịnh vươnïg nhất cùng với thời hiển đạt của những ông Aùn sát, Tuần phủ, Tổng đốc nhà Nguyễn.

Thi sĩ Tú Xương công khai tuyên dương thú hát cô đầu của ông trong bốn câu:

Có phải rằng ta chẳng học đâu,
Mỗi năm ta học một vài câu.
Ví dù Vua mở khoa thi Trống,
Lạc nhạn, xuyên tâm, đủ ngón chầu.

Lời thơ vừa ngông, vừa hài hước, nhưng cũng có nhiều thực tế. Nếu như Vua mở khoa thi đánh trống cô đầu thật, biết đâu ông Tú Xương đã chẳng đỗ ông Nghè – Nghè Trống cũng là Nghè – đường công danh của ông đã không lận đận như với khoa thi chữ. Chúng ta hãy nghe ông diễn tả nhân sinh quan của ông qua bài

Hát Cô Ðầu

Nhân sinh quí thích chí
Chẳng gì hơn hú hí với cô đầu.
Khi vui chơi năm ba ả ngồi hầu,
Chén rượu cúc, đánh chầu năm ba tiếng.
Tửu hậu khán hoa nhàn bất yếm,
Hoa tiền chước tửu hứng vô nhai.
Hỡi ai ơi..Chơi lấy kẻo hoài,
Chơi cũng thế mà không chơi cũng thế.
Của trời đất xiết chi mà kể,
Nợ công danh thôi thế cũng xong.
Chơi cho thủng trống tầm bông.

Nhân sinh quí thích chí: người ta ở đời cốt thỏa thích ý mình. Uống rượu, xem hoa mãi chẳng chán, trước hoa, uống rượu thú không biết ngần nào. Trống tầm bông: trống hai mặt, thắt lại ở giữa, đánh lên tiếng kêu nhẹ là tầm, tiếng kêu nặng là bông.

Thi sĩ nói: Chơi là lãi. Chơi cũng thế mà không chơi cũng thế! Người trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm sống, nếu nghe theo lời khuyên này, có thể mang hại. Có làm thì mới có thể có chơi. Chúng ta phải làm rồi mới chơi được. Dù cho ta có điều kiên đi nữa nếu ta chỉ sống để chơi, để hưởng thụ không mà thôi, cuộc sống của ta cũng bị lệch. Theo tôi, điều kiện để chơi là phải làm việc. Nhưng chỉ hùng hục làm thôi mà không chơi, không biết chơi, không biết hưởng lạc thú ở đời, cũng là hỏng.

Về một mặt, nói một chiều, tính ra quả “chơi là lãi” thật. Trong thời gian nằm trong tù tôi đã có dịp suy nghĩ – lơ mơ thôi – về đề tài ấy. Nằm cùng với tôi trong nhà tù cộng sản có những anh nhà buôn, nhà bán, cả đời ăn mắm, mút ròi, tính lợi cho mình, hại cho người, buôn gian, bán lận, một vốn, bốn lãi, chất chứa, ký cóp, bòn mót của cải để làm giầu. Cộng sản vào Sàigòn, các anh này mất hết, không những chỉ bị mất hết của cải, nhà cửa, các anh còn bị cộng sản cho vào tù vì cái tội giầu tiền. Sống trong cái gọi là chế độ xã hội chủ nghĩa – quái thai của quái quỉ Cộng sản – thì anh ăn chơi cũng tù mà anh không ăn chơi cũng tù. Chỉ có điều khác là những anh giầu tiền đã bị tù rồi còn phải khai báo, phải nộp của, đã mất trắng những của nổi nhà cửa, kho hàng, tiền vàng, các anh còn bị bóp cho lè những của chìm ra, những anh đã ăn chơi đã đời rồi thì nằm phây phây, các anh này không còn gì để bọn cộng sản có thể lột. Trong trường hợp ấy – đúng như lời ông Tú Xương nói – quả thật sống ở đời “chơi là lãi” đấy.

Nói đến hát cô đầu, nhiều người Việt – những người chưa từng bao giờ biết cái thú hát cô đầu – cũng ít nhiều biết bài Hát nói, như bài này :

Hồng Hồng, Tuyết Tuyết
Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông
Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì.
Bây giờ Tuyết đã đến thì
Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già.

Hồng Hồng, Tuyết Tuyết
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi,
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì
Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu.

Ngã lãng du thời quân thượng thiếu,
Quân kim hứa giá ngã thành ông.
Cười cười, nói nói thẹn thùng
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.

Riêng một thú thanh sơn đi lại
Khéo ngây ngây, dại dại vì tình.
Ðàn ai một tiếng Dương tranh!

Hồng Hồng, Tuyết Tuyết – nghe nói. Nghe nói thôi, người viết gần như mù tịt về chuyện này – là bài hát được hát nhiều nhất trong những chầu hát cô đầu. Vì lời hay đủ khổ, dễ hát, bài HHTT còn được dùng làm bài mẫu cho các em cô đầu tập hát – Cô đầu có hai loại: cô đầu hát và cô đầu rượu, cô đầu rượu không biết hát, chỉ để hầu khách – Tác giả HHTT là Dương Khuê, người được Nhà thơ Yên Ðổ khóc trong thơ:

Bác Dương..Thôi đã thôi rồi…
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta…

Vân Trì Dương Khuê, sinh năm 1836, mất năm 1898, quê làng Vân Ðình, Hà Ðông, đỗ tiến sĩ năm Tự Ðức 21 – 1868 – từng làm Tổng Ðốc Nam Ðịnh và Ninh Bình.

Hồng Hồng, Tuyết Tuyết diễn tả tâm trạng của những tay chơi hào hoa khi đã có tuổi. Vào những năm 1960 tâm trạng này được diễn tả bằng câu :”Ðừng gọi anh bằng chú..” Cô bé mười tuổi chưa biết cái gì cả năm ta bốn mươi tuổi, số tuổi sung mãn nhất của người đàn ông, trở thành cô gái hai mươi tươi mởn khi ta năm mươi tuổi, thể xác ta đã suy nhược nhưng lòng ta vẫn còn đầy những tham lam chưa thỏa. Ta thấy hạnh phúc đã ở ngoài tầm tay với của ta. Khi ta đang ăn chơi, em còn nhỏ. Nay em đến tuổi lấy chồng, ta già rồi. Xưng chú, xưng anh đều ngượng miệng, xưng ta thì nhạt nhẽo và phách lối. Gọi nàng là em thì kỳ kỳ mà gọi nàng là cháu thì vô luân. Tình trạng ngành phè, vô duyên, ngôn không chính mà danh chẳng thuận một ly ông cụ nào.

Sau Tháng Tư 1975 vợ chồng tôi trôi dạt về căn nhà nhỏ trong cư xá nghèo này. Lúc chúng tôi mới về đây cô bé nhà trước cửa mới mười tuổi, còn chơi trò nhẩy dây, đánh cầu ngoài đường. Những mùa mưa, mùa nắng Sàigòn qua đi, tôi võ vàng, gầy ốm, méo mó, răn reo, ngồi bó gối sau khung cửa sổ, nhìn ra con đường nhỏ buồn phiền. Tôi xách cái túi rách lên xe bông đi tù..Những mùa mưa, mùa nắng Sàigòn qua đi, tôi xách cái túi rách trở về mái nhà xưa. Tôi lại ngồi bó gối sau khung cửa sổ nhìn ra còn đường buồn phiền. Tôi già hơn, mệt mỏi hơn, võ vàng, gầy ốm hơn, méo mó hơn. Cư xá nghèo hơn, đổ nát hơn, rêu phong hơn, u ám hơn. Một sáng tôi sững sờ nhìn cô gái mười bẩy, mười tám tuổi nhà trước cửa. Chưa bao giờ tôi thấy thời gian qua rõ ràng đến như thế..Bẩy, tám năm trời qua mau ơi là mau..

Dương Vân Trì có mấy bài Hát nói diễn tả tâm tình tiếc ngày xưa, thương người cũ, ngậm ngùi vì thời gian qua mau: “Ðêm khuya chợt nhớ chuyện thời trẻ. Trong mắt người ta đã già rồi…” thật cảm động:

Tặng Cô Ðầu Phẩm
Dạ thâm hốt ức thiếu niên sự
Giận hồng quân ghen ghét kẻ hồng quần.
Trải nắng mưa gầy biết mấy phần xuân,
Mà son phấn cũng phong trần thế nhỉ?
Nhãn trung chi nhân ngô lão hĩ!
Lệ Giang Châu chan chứa bởi vì ai!
Tân tri, cựu hận bời bời,
Tình duyên ấy lôi thôi bao kể xiết.
Ướm hỏi khách biết chăng, chẳng biết ?
Thương cho tình mà lại tiếc cho tài.
Hay là nhớ chốn Chương Ðài,
Xạ lan mùi cũ, hán hài lối xưa?

Hay là nhớ chốn mây mưa.

Gập Cô Ðầu Cũ
Hốt ức lục, thất niên tiền sự
Nợ phong lưu chưa trả hương nguyền.
Ðến bây giờ lại gập người quen,
Nỗi lưu lc, ghét ghen là thế thế.
Thiếp tự thân khinh, lang vị khí.
Thần tuy tội trọng, đế do liên.
Can chi mà tủi phận, hờn duyên,
Ðể son phấn đàn em sau khúc khích.
Ý trung nhân chỉ khả tình tương bạch.
Thôi bút nghiên, sênh phách cũng đều ai.
Trông nhau nói nói, cười cười.

Giải nghĩa mấy câu chữ Hán: Chợt nhớ chuyện sáu, bẩy năm về trước. Thiếp tự thân khinh: Em biết cái thân em không ra gì nhưng chàng chưa nỡ bỏ em. Thần tuy có tội nặng nhưng vua vẫn còn thương. Ý trung nhân: người có tình với nhau chỉ nên nói thật nỗi lòng với người tình…

Trong một tỉnh nhỏ nào đó ở miền Bắc Việt nam trong một đêm cách đêm nay một trăm ba mươi, một trăm bốn mươi năm, người lãng du Dương Vân Trì đi hát cô đầu. Cô đào aht có chồng là kép đàn, theo đúng quy luật đã thành văn:

Cô đầu, cô đách
Lấy quan, quan cách,
Lấy khách, khách về Tầu,
Lấy nhà giầu, nhà giầu phải tội tiêu xưng,
Trở về lấy chú tửng tưng
Tốt bền cố hỉ.

Những người đàn bà chơi bời thường không lấy được chồng tử tế, dù có nhiều thiện chí muốn trở về cuộc sống lương thiện, có nhiều cố gắng đến mấy đi nữa, thường họ cũng không gập được hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng. Có lẽ vì một phân họ đã quen với nếp sống ăn chơi sa đọa, chỉ quen hưởng thụ, phần vì thành kiến của xã hội không tin tưởng họ, vì chẳng có mấy người đàn ông dại dột làm cuộc thử nghiệm vợ chồng với họ. Nhưng trong đời ta cũng thấy có nhiều em chơi bời thực sự trở thành vợ hiền khi có người yêu thương họ. Và một khi đã hiền, các em hiền, tốt hơn nhiều những em con nhà lành đổ đốn khi có chồng.

Người đào hát trong bài Hát nói dưới đây có chồng là kép đàn, ông kép đàn mới chết. Nhà hát có khách, nàng hát vài bài rồi xin phép ngừng, vì đang có tang chồng, không tiện ngồi lâu. Ta có thể cười chê việc nàng làm là trò giả dối: đã là cô đầu tiếp khách thì dù hát vài bài hay hát suốt đêm cũng là tiếp khách, còn bầy đặt làm gì. Nhưng đôi khi chúng ta cũng quá dễ dãi trong việc khen chê. Cuộc sống còn có đạo đức là do những giữ dìn nho nhỏ ấy. Và giữ dìn lễ nghĩa nho nhỏ như vậy cũng là tốt rồi, ta không nên đòi hỏi gì hơn. Chỉ khi nào chúng ta không còn giữ dìn gì cả, không còn biết ngượng ngùng chi hết, dù là giả vờ, lúc dó chúng ta và cuộc sống mới thật là khốn nạn.

Cô đào xin phép ngừng hát vì chồng nàng mới chết, ông khách lãng su sáng chng có biết chồng nàng, từng nhiều lần được nghe vợ chồng nàng đàn hát, tức cảnh làm bài hát nói:

Tặng Cô Ðầu Hai
Lấy ai là kẻ đồng tâm
Lấy ai là kẻ tri âm với nàng.
Ðêm khuya luống những bàng hoàng
Người đi đâu vắng mà đàn còn đây?

Nghe đàn nhớ lão Trung kỳ
Vợ mi ở đó, mi đi mô chừ?
Sớm khuya xe tẩu phụng thờ
Hóa chồng cũng thể như chưa có chồng.
Nhân vong cầm tại
Nhớ chàng Hai mà gặp lại cô Hai
Tiện đây hỏi một đôi lời
Ðàn bản ấy cùng ai so phím cũ?
Hồng phần kỷ nhân vi quả phụ?
Bạch đầu nam lão Trác văn Quân!
Thế thì khi gió gác, lúc trăng sân
Chừng Bạch Tuyết, Dương Xuân còn tưởng nhớ.
Hãy ngồi lại hát chơi khúc nữa
Có trách chi tang trở xóm Bình Khang.
Xưa nay nghề nghiệp thế thường.

Ngắn thôi nhưng đủ ý, bài hát nói vừa trữ tình, vừa hiện thực, vừa cảm thương, đường hoàng, vừa hóm hỉnh và khéo nói. Hiện thực ở câu:” Sớm khuya xe tẩu phụng thờ..” Một câu thôi mà nói lên được một số sự kiện: đi hát cô đầu là có đàn bà, rượu và thuốc phiện. Tửu, sắc, yên, đổ, bốn món ta quen gọi là Tứ Ðổ Tường, ba món đã tập hợp trong nhà cô đầu, chỉ thiếu có cờ bạc. Ðổ: cờ bạc, thường đi một mình. Ðã cờ bạc là không có đàn bà, không có rượu, thuốc phiện. Những ông kép đàn cho cô đầu hát thường nghiện thuốc phiện, nhiều cô đầu biết tiêm thuốc phiện. Qua bài hát nói ta thấy anh kép đàn nghiện hút đã chết, vợ anh bầy bộ bàn đèn của chồng lên bàn thờ để thờ. Chi tiết này rất hiện thực. Nó ghi lại hình ảnh một thời kỳ đã qua trong xã hội ta, khi việc dùng á phiện được nhà cầm quyền coi là hợp pháp, khi Nhà Nước Bảo Hộ tổ chức việc nhập cảng á phiện và bán á phiện cho dân. Người kép đàn là người miền Trung. Dương Vân Trì đã khéo léo dùng tiếng Trung Kỳ để gợi lại việc Bá Nha Chung Tử Kỳ cảm nhau qua tiếng đàn. “Mi” trong câu “Vợ mi ở đó mi đi mô chừ..?” không mang ý khinh thường mà la tiếng gọi nhau thân mật của người miền Trung. “Nhân vong, cầm tại: người mất, đàn còn” lấy ở điển Bá Nha-Tử Ky, diễn tả thật đúùng cảnh người kép đàn không còn nhưng cây đàn của anh vẫn còn đó. Phải tài hoa và tài tình lắm mới tức cảnh làm ngay dược bài thơ nhiều ý hay như Dương vân Trì làm bài này. Ðó chưa kể kinh nghiệm sống: đàn bà đẹp khó có thể ở góa lâu được; các nàng có muốn ở góa bọn đàn ông cũng không chịu, những anh yêu nàng, muốn các nàng, thường làm đủ mọi cách để ép buộc các nàng phải bước đi bước nữa. Ða tình như nàng Trác Văn Quân làm sao có thể ở góa cho dến lúc bạc đầu cho được? Ðó chỉ là qua kinh nghiệm thôi, và kinh nghiệm đó đúng.

Ta có câu:” Chẳng ai giầu ba họ, chẳng ai khó ba đời..” Tôi thấy kinh nghiệm trên chỉ đúng trong thời loạn, khi xã hội có những biến động lớn, có sự thay đổi lớp người cầm quyền, nhưng trong những thời xã hội yên bình, một số gia đình nào đó nắm quyền thống trị xã hội trong vài trăm năm, ta thấy có những nhà quyền quí cha truyền, con nối không phải chỉ ba đời mà là cả chục đời. Vì vậy ta có câu ca dao:

Con vua thì lại làm vua
Con lão sãi chùa lại quét lá đa.

Nhưng một dòng họ không thể nắm quyền thống trị xã hội được mãi mãi. Tranh dành và chiếm giữ quyền làm chủ xã hội là việc mà loài người đã làm dài dài từ ngày họ sống thành xã hội. Sau năm 1954 ở miền Bắc, ta thấy tình trạng:

Con anh mõ làng lên làm chủ tịch,

Con nhà chánh tổng ra ở chuồng vịt ngoài đồng.

Những năm 1930 trong số những người sống ở bến sông Nhị, Ha nội, có câu:

Con ơi đừng khóc, mẹ sầu,
Cha con đốt lửa dưới tầu Long Môn.
Bao giờ con lớn, con khôn
Thì con lại xuống Long Môn con làm…

Từ năm 1975 câu hát trên có thay đổi chút ít để hợp với hiện cảnh:

…Bây giò con lớn, con khôn
Con làm chủ tịch để con thằng tư sản
nó xuống Long Môn nó làm…

Ta vừa đi lạc chút síu ra ngoài đề tài:” Tình Yêu và Hình Ảnh Ðàn bà trong Thơ Xưa”, nay ta trở lại:

Gặp Cô Ðầu Khanh
Cầm tay nhớ những bao giờ
Mười lăm năm lại tình cờ gặp nhau.
Cuộc vui chớ gợi tiếng sầu
Tri âm ta lại bắt đầu tri âm.
Thế thượng tri âm tối nan đắc
Ðộc khanh tri ngã, ngã tri khanh.
Ðem má hồng ánh với mắt xanh,
Ấy ai ấy với mình duyên ngộ nhỉ!
Ngã thính khanh ca tần quán nhĩ,
Khanh tri ngã túy thả vong tình.
Thôi thời thôi, ta hãy mần thinh,
Chẳng túc trái cũng tiền sinh chi đấy tá.
Liên khanh đáo để hoàn liên ngã,
Hữu tình ta dám há vô tình.
Ái khanh thị dĩ khanh khanh!

Dương Tự Nhu

Sao y bản chính
Công Tử Hà Đông

Admin
Admin

Posts : 49
Join date : 2017-02-14

https://sgnnews.board-directory.net

Back to top Go down

Back to top


 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum